Biển hạn chế tốc độ cắm tràn lan, gây khó khăn cho người lái xe

Biển hạn chế tốc độ cắm tràn lan, gây khó khăn cho người lái xe
 

Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, thời gian qua, trên hệ thống giao thông có tình trạng cắm biển hạn chế tốc độ một cách khá tràn lan trên cả đường cũ đang khai thác và đường vừa mới cải tạo, nâng cấp.

nguyên nhân là do đối với biển báo giao thông đã cắm trên các đường đang khai thác, đơn vị quản lý đường bộ với tâm lý ngại trách nhiệm, chưa cương quyết để rà soát, loại bỏ các biển báo không hợp lý, do đơn vị thi công cắm phục vụ thi công hoặc điều kiện đường sá đã tốt hơn, thậm chí cứ thấy tai nạn là hạn chế tốc độ... Một số địa phương còn kiến nghị theo hướng gia tăng biển hạn chế tốc độ để đạt chỉ tiêu giảm TNGT mà không cần biết nguyên nhân thực sự của các vụ TNGT là gì.

“Tình trạng trên đã gây ùn ứ, giảm khả năng khai thác, gây nhiều bức xúc trong xã hội”, ông Lăng nói. Trong khi đó, ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho hay, trên một tuyến đường chỉ cần quy định tốc độ tối đa. Thực tế, các nước chỉ cắm biển tốc độ tối đa chung cho một tuyến đường chứ không thể đang ở tốc độ chung toàn tuyến là 80km/h lại có biển hạn chế 50km/h thì như là gây khó cho người đi đường... Vậy biển báo giao thông cắm thế nào mới là chính xác?

Theo lý giải từ Tổng cục Đường bộ thì tốc độ tối đa cho phép lưu hành do cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ GTVT) quy định. Nó phụ thuộc vào 3 yếu tố chủ yếu như sau: môi trường đường bộ, bao gồm các yếu tố về kích thước hình học, kỹ thuật của đường và môi trường giao thông, điều kiện dòng xe hỗn hợp, dân sinh kinh tế xã hội dọc tuyến. Phương tiện, tình trạng chất lượng của phương tiện, thời gian phương tiện được phép lưu hành (tùy từng nước mà có thời gian cho phương tiện lưu hành, có nước xe không quá 10 năm sử dụng, nước ta chỉ có xe tải thời gian sử dụng không quá 20 năm.) Yếu tố cuối cùng là con người, trình độ tay nghề, kỹ năng, tình trạng sức khỏe, ý thức chấp hành luật của lái xe, người tham gia giao thông, dân cư dọc đường. Tuy nhiên, để điều khiển xe chạy an toàn trên đường, không những tuân thủ về tốc độ, người lái xe còn phải quan tâm đến rất nhiều yếu tố liên quan đến sự an toàn khác...

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đưa ra dẫn chứng, thực tế đường cao tốc hiện nay có những đoạn đường thẳng, yếu tố hình học đạt, độ nhám bảo đảm đáng lẽ chạy được 120km/h nhưng lại cắm biển 80km/h gây bức xúc cho lái xe và cần được điều chỉnh hợp lý. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Tới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần nghiên cứu để sửa đổi Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Trong đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lưu ý phân rõ các loại đường (đường cao tốc, đường cấp cao, đường giao thông nông thôn…), quy định tốc độ tối đa, đưa ra phương pháp tính toán cụ thể, từ đó tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, khai thác. Liên quan đến công tác cắm biển hạn chế tốc độ, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần phải quy định tốc độ tối đa để sau đó có hướng dẫn cắm biển báo tốc độ. Khi nghiên cứu một phương án cắm biển tốc độ tối đa, cũng có biển cảnh báo nguy hiểm để hạn chế tốc độ chứ không cắm biển hạn chế tốc độ một cách tràn lan như hiện nay...

2018-05-23
090 490 4747
090 490 4747